Nhân viên Content nghỉ việc

Nhân viên Content nghỉ việc

249 Lượt xem

TÂM TƯ CỦA MỘT NHÂN VIÊN CONTENT NGHỈ VIỆC – NHỜ CÁC CHUYÊN GIA TƯ VẤN GIẢI PHÁP 🙏🙏🙏

  • Bối cảnh Công ty về các Kênh marketing : Mới tuyển Leader Content mới, sau 3 tuần 2 nhân sự có thâm niên 2 năm và 3 năm xin nghỉ việc. Vậy nguyên nhân do đâu? Nhờ các chuyên gia tư vấn trong trường hợp này.
——————————————
Em đã trực tiếp làm việc được gần 1 tháng cùng với chị Leader mới, em xin gửi một vài chia sẻ về cảm nhận của em trong thời gian vừa qua. Đây là nhận xét cá nhân dựa trên những yếu tố em nghĩ về một người lãnh đạo tốt nên có.
Đầu tiên, nội dung quy trình làm việc được đưa ra đảm bảo khoa học, chuyên nghiệp, chi tiết từng phần và nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên, có kế hoạch training cụ thể và rõ ràng. Có thể thấy đây là một quy trình tốt và bài bản.
Tuy nhiên, em nhận thấy có một vài điểm vướng mắc trong thái độ và cách vận hành quy trình như sau.
Nhân viên Content nghỉ việc
Nhân viên Content nghỉ việc

Quá trình nhận xét trong công việc:

Trong cuộc họp hay khi nhận xét trực tiếp vào file công việc, chị có sử dụng những câu từ, giọng điệu mang tính cảm quan cá nhân.
Ví dụ trong outline bài “công nghệ mới trong xây dựng nhà cao tầng”, em có phần đưa ra khái niệm về nhà cao tầng vì em đã tìm hiểu và thấy được họ gọi nhà cao tầng hoặc nhà siêu cao tầng dựa trên số tầng cụ thể.
Thay vì nhận được những nhận xét như “thông tin này thừa, cần bỏ” hay “tại sao em lại muốn đưa thông tin này vào” thì em lại nhận được những câu như “có ai không biết nhà cao tầng là gì không em ơi”, “người lên outline không xác định đối tượng người đọc thì content viết kiểu gì em ơi”. Những câu từ như vậy vô tình khiến em cảm thấy bị mỉa mai và coi thường về kiến thức mặc dù em vẫn tích cực tiếp thu toàn bộ nhận xét và sửa đổi như yêu cầu.
Em nghĩ một người hướng dẫn nên sử dụng những từ ngữ khách quan và tránh những nhận định mang cảm xúc cá nhân.

Năng lượng truyền cảm hứng cho nhân viên: 

Em tin rằng một người lãnh đạo tốt sẽ truyền được năng lượng tích cực cho nhân viên của mình.
Sau khi làm việc với nhau chưa đầy 1 tuần, em tham gia cuộc họp 1-1 với chị Leader mới và được đánh giá chưa đạt yêu cầu chuyên môn. Khi biết em đã làm 2 năm ở công ty ngay từ khi vừa ra trường thì chị có nói rằng liệu em có tin bây giờ một bạn mới ra trường chỉ cần training 1 khóa là có thể hơn mức chuyên môn của em hiện tại không?
Tất nhiên là em có tin, nhưng suy nghĩ đầu tiên khi nghe câu đó là em cảm thấy hối hận vì đã cống hiến 2 năm cho công ty để rồi không có được kinh nghiệm đáng kể gì như đã được đánh giá. Tất nhiên em vẫn rất trân trọng và biết ơn thời gian được học hỏi từ anh và mọi người.
Có rất nhiều cách để so sánh, em mong là người theo sát quá trình và trực tiếp đánh giá nhân viên thì sẽ khéo léo hơn trong việc truyền đạt ý kiến và quan điểm cá nhân. Có thể là vô ý những những lời nói như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc và suy nghĩ của người nghe.
Chị có hỏi rằng trước đây ai training cho em, ai duyệt bài cho em, nếu anh duyệt bài thì chắc cũng không xem bài của em, bình thường em nghiên cứu từ khóa bằng công cụ nào, em trả lời là Ahref thì chị nói ngay rằng không ai lại nghiên cứu từ khóa bằng Ahref cả.
Sau cuộc họp hôm đó em cảm thấy khá tiêu cực và hoài nghi về bản thân mình, tất cả những gì em được anh chỉ dạy từ trước đến giờ là sai hoàn toàn hay sao?
Cảm xúc tiêu cực đó vẫn theo em trong suốt khoảng thời gian vừa qua. Trong thời gian làm việc chưa đầy 1 tháng, dù em cũng đã cố gắng để đáp ứng cơ bản những tiêu chí của leader và học thêm được nhiều điều, nhưng em cảm thấy mình ngày càng mất tự tin vào bản thân.
Có thể bọn em có nhiều điểm thiếu sót chưa đáp ứng được đúng y nguyên tiêu chuẩn leader đề ra, nhưng chính vì còn thiếu sót nên em mong leader sẽ là người củng cố tinh thần giúp chúng em để có thể tự tin vào bản thân mình hơn qua từng ngày thay vì chỉ vì chú trọng vào lỗi sai, điều chưa đạt và đổ lỗi rằng tất cả là tại bọn em không đáp ứng đủ chuyên môn và chưa làm đúng quy trình.

Sự thấu hiểu và đồng cảm:

Em mong leader thấu hiểu nhân viên hơn và thử đặt mình vào vị trí của chúng em. Khi chuyển sang một môi trường có văn hoá và cách vận hành hoàn toàn khác, thay vì thay đổi và áp đặt quy trình đột ngột thì cần có sự thấu hiểu, thử nghiệm và thay đổi với tiến độ tăng dần.
Tất cả quy trình và cách vận hành trong 3 tuần qua đều quá đột ngột, ngay từ việc leader chỉ làm việc với bọn em 6 ngày + 1 bài test và đưa ra đánh giá mức độ chuyên môn tổng thể.
Mỗi người đều có một tốc độ thích ứng và giới hạn chịu đựng khác nhau, em mong rằng người lãnh đạo có thể thấu hiểu và cân bằng giúp mọi người.
Không thể chỉ vì lý do dự án đang gấp và cần thực hiện với tốc độ cao, em mong rằng người dẫn đầu và bao quát dự án có thể xem xét toàn diện các yếu tố về số lượng nguồn nhân lực để điều chỉnh hợp lý.

Chuyên nghiệp và sáng tạo:

Dù quy trình chuyên nghiệp, cụ thể nhưng em cảm thấy mang tính áp đặt cao và hạn chế sự sáng tạo của nhân viên. Chưa nói đến nội dung cụ thể, việc trình bày outline lệch 1 gạch đầu dòng so với file mẫu sẽ được đánh giá là “việc làm tự phát” và không được phép tiếp diễn.

Góp ý và phản biện

Em cảm thấy mình không thể thoải mái trong quá trình đưa ra phản biện và góp ý. Leader luôn hỏi các em có gì cần hỏi hay thắc nhưng khi đưa ý kiến thì lại được trả lời bằng: em đã làm đúng quy trình chưa, em đã xem lại hướng dẫn chi tiết chưa, cần tư duy tự suy nghĩ trước khi đặt câu hỏi.
Chúng em đưa ra câu hỏi vì chúng em tin răng Leader là người hướng dẫn thân cận có thể giải đáp nhanh và chuẩn xác. Nhưng thái độ không thiện chí sau nhiều lần khiến em không còn muốn bày tỏ ý kiến vì biết mình sẽ không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Trong cuộc họp 1-1, Chị có nói rằng vì em không hay đưa ra ý kiến về các công việc chị giao nên chị hoan nghênh thái độ đó của em. Vậy khi đưa ra ý kiến thắc mắc trực tiếp thì sẽ không được hoan nghênh nữa ạ?
Dù có chuyên môn và kinh nghiệm cao hơn, nhưng em mong rằng leader sẽ có một thái độ cởi mở hơn khi lắng nghe và phản biện có thiện chí về thắc mắc, góp ý của nhân viên.

Quan điểm về sự gắn bó của Nhân viên Content nghỉ việc

Ngay từ những ngày đầu làm việc, leader đã tỏ rõ quan điểm rằng 1 là tham gia kế hoạch như đã được đề ra trước đó hoặc 2 là nếu cảm thấy không thể theo được kế hoạch thì có thể dừng lại công việc với công ty, công ty luôn sẵn sàng tuyển thêm người mới để thay thế.
Em không rõ đây có phải quan điểm đại diện cho suy nghĩ của anh và ban lãnh đạo công ty hay không. Em cảm thấy quan điểm này khá cực đoan thay vì hướng giải pháp và tạo môi trường tích cực cho nhân viên cảm thấy muốn gắn bó lâu dài.
Em hiểu rằng anh và bộ phận quản lý sẽ chú trọng và đánh giá kết quả đạt được sau cùng. Nhưng em cũng mong rằng những trải nghiệm trực tiếp của nhân viên trong quá trình thực hiện kết quả đó sẽ được anh tôn trọng và thấu hiểu. Nếu kết quả cuối cùng rất tốt nhưng lại đạt được từ một quá trình bao trùm sự tiêu cực thì cũng đáng để xem xét đúng không ạ?
Cuối cùng, là một nhân viên đã gắn bó với anh 2 năm làm việc, em mong nhận được sự công nhận của anh dù có thể là không quá cao. Nếu anh cũng nói rằng em không đủ chuyên môn và chưa làm được gì trong suốt 2 năm qua thì em thực sự sẽ rất buồn ạ.
Trong thời gian làm việc theo quy trình mới, đây cũng là cơ hội để em nhìn nhận lại toàn bộ về khả năng của bản thân, mục tiêu định hướng và môi trường mà em mong muốn hướng tới sau này.
Tag:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *